Đi Xuất Khẩu Lao Động Ở Nước Ngoài
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã có 8.358 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 3.898 lao động đi làm việc tại Đài Loan, 2.833 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, 979 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, còn lại là các thị trường khác.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài như thế nào?
Theo quy định tại Điều 51 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 về quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết như sau:
- Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết có các quyền sau đây:
+ Được cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động;
+ Hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, quyền lợi khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
+ Được chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
- Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện các nội dung trong hợp đồng lao động và nội quy nơi làm việc;
+ Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc;
+ Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc;
+ Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này;
+ Đăng ký công dân tại cơ quan đại diện Việt Nam tại nước mà người lao động đến làm việc.
Lợi dụng tâm lý một số người có nhu cầu đi làm việc, lao động ở nước ngoài, các đối tượng lừa đảo đã tiếp cận đưa ra hứa hẹn về cách ra nước ngoài làm việc với chi phí rẻ, việc nhẹ lương cao, thủ tục đơn giản,… để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Mới đây, Công an huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố đối tượng Nguyen Thuy Hoang, sinh năm 1978, quốc tịch Na Uy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào khoảng tháng 6/2024, Nguyen Thuy Hoang (tên thường gọi tiếng Việt là Thủy) quen với bà L, ngụ huyện Tháp Mười qua mạng xã hội. Thủy nói với bà L, Thủy có nhu cầu tìm người lao động thời vụ tại Na Uy, nếu ai có nhu cầu đi thì đăng ký, chi phí để làm thủ tục đi lao động là 25 triệu đồng/người. Thủy và L lập nhóm Zalo tên “Hội làm việc Nauy” có 33 người đăng ký. Tổng số tiền Thủy chiếm đoạt 360 triệu đồng.
Thiếu tá Phạm Nguyễn Minh Đức - Phó Đội Trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Tháp Mười cho biết: “Phương thức thủ đoạn của đối tượng Thủy thường chọn đối tượng nữ ở địa phương làm quen thông qua mạng xã hội. Đối tượng nói có khả năng làm các thủ tục để cho người lao động ở Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy làm việc theo thời vụ trong 06 tháng với mức lương rất cao là 400 ngàn đồng giờ, ngày làm 08 tiếng, nếu tăng ca sẽ được tính thêm. Mỗi người có thể thu nhập 70,80 triệu đồng tháng. Mỗi người đăng ký đi xuất khẩu lao động tự làm hộ chiếu, cung cấp ảnh thẻ 4x6 và tự viết sơ yếu lý lịch; còn về phần visa và máy bay, đối tượng Thủy sẽ lo cho mọi người, mỗi người đóng lệ phí làm thủ tục là 25 triệu đồng/trường hợp”.
Với những viễn cảnh về tương lai “giàu có” khi được đi xuất khẩu lao động sang Na Uy mà Thủy vẽ ra, nhiều nạn nhân không có tiền, cũng đi vay mượn tiền của người quen, bà con để đóng cho Thủy. Đến tháng 8/2024, những người đã nộp tiền cho Thủy được Thủy và L. thuê xe đưa đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng họ không thể xuất cảnh.
Để dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, đối tượng Thủy thường làm quen với các phụ nữ qua mạng xã hội với mục đích làm “cầu nối” tìm người thân, quen giới thiệu cho Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, để tạo lòng tin, Thủy lấy số tiền đã lừa được của các bị hại để đưa những người phụ nữ này, hay những người người thân của họ đi du lịch, ăn uống. Cũng với chiêu lừa trên, vào năm 2023, Thủy đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của một số người dân ở tỉnh Kiên Giang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 1 tỷ đồng.
Hiện nay, nhiều người có nhu cầu đi làm việc, lao động ở nước ngoài với mục đích không chỉ đơn thuần là xóa đói giảm nghèo, mà còn để được đào tạo nâng cao tay nghề, học hỏi, thu thập, tích lũy kinh nghiệm để có việc làm tốt hơn sau khi về nước.
Để đi xuất khẩu lao động hợp pháp, tránh bị lừa đảo, Thiếu tá Phạm Nguyễn Minh Đức - Phó Đội Trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) khuyến cáo: người dân không nên đi theo con đường của các đối tượng giới thiệu đi làm với các thủ tục đơn giản, việc nhẹ lương cao, chỉ ngồi một chỗ có thể thu nhập mỗi ngày lên đến tiền triệu, bởi đó có thể là chiêu trò lừa đảo. Để tránh sập bẫy của đối tượng lừa đảo, người dân nên tìm hiểu xác minh kỹ càng, có thể hỏi thêm những người hiểu biết về vấn đề đó. Nên ra những công ty giới thiệu việc làm của Nhà nước để được hướng dẫn các thủ tục đăng ký đi xuất khẩu lao động.
Người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động bằng hình thức nào?
Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích thuật ngữ xuất khẩu lao động, tuy nhiên có thể hiểu đây là việc cung ứng người lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu lao động của các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức sau đây:
+ Doanh nghiệp nước ngoài và đơn vị sự nghiệp của Việt Nam ký Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
- Thông qua các tổ chức dịch vụ việc làm:
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
+ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.
+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
- Giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài:
+ Người lao động trực tiếp ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài
+ Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài theo Điều 52 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020
Như vậy, người lao động Việt Nam muốn sang nước ngoài làm việc hay còn gọi là xuất khẩu lao động thì phải thuộc một trong các trường hợp trên.
Điều kiện để người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài là gì? (Hình từ Internet)